Ấn Độ và dự án điện Mặt trời lớn nhất thế giới

Ấn độ đang xây dựng nhà máy năng lượng Mặt trời lớn nhất thế giới tại Khavda (bang Gujarat) dọc theo biên giới với Pakistan.

Anh bai duoi
Công viên năng lượng tái tạo Khavda (Ấn Độ).

Dự án này được kỳ vọng sẽ tạo ra bước ngoặt lớn trong ngành năng lượng tái tạo của Ấn Độ, với 60 triệu tấm pin Mặt trời và 770 turbine gió, trải rộng trên diện tích lên tới 538 km2, diện tích gần tương đương với thành phố Mumbai. Nhà máy Khavda đặt mục tiêu sản xuất lên tới 11 GW điện và dự kiến sẽ đạt công suất 30 GW vào năm 2029, qua đó vượt qua kỷ lục hiện tại của đập thủy điện Tam Hiệp (Trung Quốc) với công suất 18 GW.

Dự án điện Mặt trời là một phần trong chiến lược của Ấn Độ nhằm đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2070, với tham vọng nâng công suất năng lượng tái tạo từ 200 GW lên 500 GW vào năm 2030, trong đó 300 GW sẽ được cung cấp từ năng lượng Mặt trời.

Nhu cầu điện năng ở Ấn Độ đã tăng gấp đôi kể từ năm 2000 do sự phát triển về dân số, kinh tế và đô thị hóa. Chính phủ nước này cam kết sẽ làm năng lượng tái tạo trở thành nguồn cung cấp chính trong tương lai, đồng thời giảm dần sự phụ thuộc vào các nhà máy điện than – hiện cung cấp tới 70% điện năng cho cả nước.

Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), Ấn Độ dự kiến sẽ tăng gấp 3 lần công suất năng lượng tái tạo vào năm 2030.

Tuy nhiên, động lực phát triển năng lượng tái tạo ở Ấn Độ không chỉ đến từ những dự án khổng lồ như Khavda mà còn từ những thay đổi nhỏ nhưng thiết thực trong cộng đồng. Một ví dụ điển hình là nhà máy Jubilant Food Works tại ngoại ô New Delhi, nơi gần 800 tấm pin Mặt trời cung cấp 14% nhu cầu điện của nhà máy, với chi phí thấp hơn rất nhiều so với giá điện từ lưới điện quốc gia.

Dù năng lượng Mặt trời đang phát triển mạnh mẽ tại Ấn Độ nhưng vẫn còn nhiều thách thức cần vượt qua do nhu cầu năng lượng vẫn tiếp tục tăng mạnh mẽ. Dự báo đến năm 2030, nhu cầu về điện của Ấn Độ sẽ tăng thêm 50% so với hiện nay.

Phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có điện Mặt trời đã trở thành xu hướng chung của thế giới nhằm thay thế cho các năng lượng hóa thạch dần cạn kiệt hay thủy điện không ổn định do biến đổi khí hậu.

Tới nay, 6 quốc gia phát triển và sử dụng năng lượng Mặt trời hàng đầu lần lượt là Trung Quốc, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Italy và Pháp.

Dự án khác